Theo dấu lịch sử tìm hiểu về gốm Sài Gòn - Chợ Lớn

Vào thế kỷ trước, mặc dù dân số Việt và Hoa ở vùng Đồng Nai – Gia Định khá đông nhưng giai đoạn khai thác nông nghiệp các ngành nghề chưa có thể phát triển nên đa số gốm gia dụng phải nhập từ Trung Quốc… hoặc gần nhất là ở “xứ Quảng Nam”. Trong khi đó gốm Bắc Hà lại ít có điều kiện nhập vào vì chiến tranh chia cắt.

Mãi đến năm Mậu Thân (1788) chúa Nguyễn Phúc Anh tái chiếm và thiết lập Gia Định kinh (Kinh đô tạm) mới có lệnh mộ thợ chuyên môn thành lập hai đội sản xuất gạch xây thành và sản xuất chum vại công dụng.

Nghề làm gốm là nghề tiểu công nghiệp lâu đời, bắt đầu từ khi người Minh Hương  đến định cư ở xứ Đồng Nai. Hiện nay ở tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, đa số các chủ lò gốm là do người Việt gốc Hoa, hay Minh hương đảm trách. Họ đã làm nghề này cha truyền con nối bao nhiều đời cho đến nay. Đây là hai trung tâm gốm sứ lớn nhất Nam bộ với nhiều thợ, nghệ nhân người Hoa. Vào thế kỷ 18, đã tồn tại một trung tâm gốm sứ mang tên Xóm Lò Gốm ở vùng quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (phía Chợ Lớn). Xung quanh vùng này còn có nhiều địa danh như Lò Rèn, Xóm Lò Siêu, xóm Lò Gạch .. Địa bàn xóm Lò Gốm xưa khá rộng, gồm các làng Hòa Lục (quận 8), Phú Định-Phú Lâm (quận 6), Phú Giáo-Gò Cây Mai (quận 11) trải dài đôi bờ kênh Ruột Ngựa, kênh-rạch Lò Gốm. Những con kênh này là tuyến đường giao thông chính của khu vực Chợ Lớn, dùng ghe xuồng chở hàng sản xuất đến các tỉnh miền Tây.

Ảnh 1. Gốm Cây Mai nổi tiếng như một hiện tượng của Sài Gòn – Chợ Lớn những năm cuối thế kỷ 19

    Bên cạnh dòng gốm Việt còn có dòng gốm Hoa. Dòng gốm Hoa nhập vào xứ Đồng Nai – Gia Định từ lúc nào thì chưa có thể khẳng định được. Thế nhưng có một điều có thể chắc chắn là sau khi thực dân chiếm đóng và đặt chế độ cai trị ở vùng đất này thì có một số thợ gốm ở vùng Hoa Lam đến Chợ Lớn xây lò, dùng một số nguyên liệu địa phương như đất (nay còn địa danh Hồ Đất), củi, men (chỉ một số để sản xuất gốm) phục vụ thị trường địa phương, vì chỉ có cách này, theo sự tính toán của người Hoa thì dễ làm giàu vì hàng hóa dồi dào và giá thành hạ.

    Tương tự như vùng Hoa Lam, gốm Trung Quốc sản xuất tại Chợ Lớn có 3 trường phái:

    a/ Trường phái gốm chế tác theo kỹ thuật Phúc Kiến: Gốm Phúc Kiến thường có kích thước to, chế tác bằng khuôn hoặc bằng bàn xoay, tráng men một màu: vàng da bò, nâu hoặc đen. Gốm Phúc Kiến thường là: lu, hũ, kiệu, chóe, khạp, ảng, vịm, tỉn, bình xách nước, đèn. Gốm Phúc Kiến sản xuất tại Chợ Lớn dày chắc, giá thành không cao, lại ở vùng khan hiếm nguyên liệu nên không thể phát triển mạnh.
    b/ Trường phái gốm chế tác theo kỹ thuật Triều Châu: Gốm Triều Châu sản xuất tại Chợ Lớn là những loại gia dụng kích thước nhỏ, tráng men trắng lâu ngày trở màu ngà (do tràng thạch của ta không tốt) nhưng hoa văn vẽ men lam hoặc men ngũ sắc, đề tài hoa điểu, cây tùng và chim hạc, bụi chuối và bầy gà, khóm rong và con cá, nét bút thần hình. Gốm Triều Châu tạo hình bằng khuôn, ít khi dùng bàn xoay, thường là: tô, tộ, chén, đĩa, muỗng, chung, tách, khay trà, hũ, lọ, lư hương, đèn, chậu cúc, bình trà, bình cắm hoa…

    Khoảng năm 1920 có ông Ngô Tòng hiệu Vinh Phát từ Triều Châu đến lập lò gốm cạnh chân cầu Palikao, ông là một nghệ nhân tài hoa. Sản phẩm của ông thường ký Nam Phong Xuất Phẩm hoặc Vinh Phát hay Ngô Vinh Phát. Làm ăn khấm khá một thời gian ông rời Sài Gòn lên Lái Thiêu mở lò tiếp tục sản xuất đến sau năm 1940.

    c/ Dòng gốm chế tác kỹ thuật Quảng Đông: Dòng gốm Quảng Đông sản xuất tại Chợ Lớn có 2 loại: loại gốm gia dụng chế tác bằng cách đúc khuôn có gắn thêm một số bộ phận, không tráng men hoặc tráng sơ một lớp men nâu (để chứa chất lỏng) trước khi nung chín gọi là đồ “bỏ bạch” như siêu, ấm, tay cầm. Có trường hợp người thợ gốm làm tượng thờ hoàn toàn theo lối thủ công, hoặc chỉ tráng sơ một lớp men ở chân đế. Tượng này được nung chín, khách hàng mua về, trước khi thờ phải tô một lớp màu hoặc một lớp vàng son, nên mới trông sơ rất khó phân biệt với tượng đất thô hoặc tượng gỗ.

    Một số lò Quảng Đông chuyên sản xuất các sản phẩm gốm tráng men độc sắc (thường là màu lục, màu đặc trưng của gốm Quảng) chế tác theo lối đúc khuôn, thỉnh thoảng có đắp thêm một vài bộ phận như: đèn, các loại thạp, gạch men, gạch hoa, con tiện, lan can, lư định, chân đèn, lư hương, ống nhổ, đôn…

    Dòng gốm Quảng Đông có mặt tại Chợ Lớn rất sớm, phát triển mạnh về chất lượng cũng như số lượng, đặc biệt nhất là gốm trang trí và gốm thuộc lĩnh vực “công nghệ miếu vũ”. Các tác phẩm sản xuất cuối thế kỷ XIX như bộ con tiện lan can tạo hình khúc tre ở nhà Lê Phát Đạt (huyện Sỹ) Long An có niên đại 1879 hoặc một số tượng Quan thánh đế quân, Thiên hậu thánh mẫu, Táo quân, Tử tiên nương nương… kể cả thần Việt như Chúa xứ Thánh mẫu, Ngũ hành nương nương… đều là các sản phẩm giống như đồ “bỏ bạch” hoặc “khắc mi lộ cốt” (tráng men mỏng không kín lòi cốt đất, giống như lấy dao cắt màng lộ xương). Những sản phẩm này không thấy ghi hiệu lò, hoặc hiệu lò ít thấy như: Nam Hưng Xương (Nam Hưng Xương điểm tố) làm quần thể tiếu tượng gắn nóc đình Thới Bình cùng nóc miếu bà Thới Bình (Cần Thơ) tượng ông Giám Trai chùa Giáng Viên. Khoảng năm Canh Thìn (1882) Nam Lợi An (Nam Lợi An diêu tạo) làm quần thể tiếu tượng gắn trên nóc Thiên hậu cung (Sa Đéc) vào năm Quang Tự thứ 11 (1885). Chất lượng các quần thể tiếu tượng này tương đối khá hơn các sản phẩm “khắc mi lộ cốt”, men dày phủ tương đối kín.

    Năm 1882, Đại úy Derbès cho biết: “Có một lò sản xuất sành Céramiques ở phía bắc đồn Cây Mai, đường vào đồng Mả Ngụy, mới lập chừng một năm rưỡi nay”. Lò gốm mà Derbès nhắc đến là lò Mai Sơn và lò Đồng Hòa. Hai lò gốm này ở bên cạnh nhau, đầu tiên hai lò gốm này cũng sản xuất đồ “bỏ bạch” hoặc đồ “khắc mi lộ cốt”, sản phẩm nổi tiếng nhất của lò Đồng Hòa là siêu và tay cầm. Nhưng sau đó, tức khoảng đầu thế kỷ XX thì các lò gốm Quảng ở Chợ Lớn cải tiến kỹ thuật chạy theo “công nghệ miếu vũ”. Lò Mai Sơn và lò Đồng Hòa chuyên sản xuất chậu kiểng kích thước to, đặt trên đôn, đắp nổi các hoa văn tinh tế, tráng men nhiều màu, nung rất chín. Nhờ báo Nông Cổ Mín Đàn quảng cáo, nhất là sản phẩm gốm của 2 lò này được giải thưởng tại các hội chợ triển lãm nên dân Nam Bộ gọi là “Chậu Cây Mai”, “Gốm Cây Mai”. Hai lò Mai Sơn và Đồng Hòa sản xuất riêng lẻ, nhưng thỉnh thoảng hợp tác sản xuất. Ngày nay chúng ta thấy trên một cái chậu trồng cúc sản xuất khoảng 1915 (loại sản xuất hàng loạt). Có hai bài thơ nhưng có một bài dưới đóng dấu “Mai Sơn”, có một bài dưới đóng dấu “Đồng Hòa”. Có cái lại có dấu “Sinh” (có lẽ là tên người chủ hoặc người thợ). Những tác phẩm đồ sộ, hai lò Mai Sơn và Đồng Hòa đều hợp tác chế tạo, thường ghi “Chợ Rẫy – Mai Sơn Đồng Hòa diêu tạo” (lò gốm Mai Sơn và Đồng Hòa ở gần Chợ Rẫy tạo): như quần thể tiếu tượng gắn nóc Phước An hội quán, Đình Minh Hương Gia Thạnh, Bình An hội quán (tất cả đều ở khu vực Chợ Lớn) nhưng hội quán Bình An đã giải thể. Những sản phẩm đặc biệt này đều sản xuất trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến năm 1910.

    Đối thủ với lò Đồng Hòa là lò Bửu Nguyên ở đường lò Gốm (Chợ lớn). Lò gốm Bửu Nguyên lúc đầu cũng sản xuất các loại gốm gia dụng xen kẽ với các loại xây dựng và gốm trang trí. Có một số tác phẩm gốm Bửu Nguyên ghi hiệu “Bửu Nguyên”; “Đề Ngạn Bửu Nguyên diêu tạo” hoặc “Nam kỳ Đề Ngạn”, Lò Gốm Nhai, “Bửu Nguyên diêu tạo” (Chợ Lớn, lò Bửu Nguyên tạo hoặc Nam Kỳ, Chợ Lớn, đường Lò Gốm, lò Bửu Nguyên tạo). Khoảng đầu thế kỷ XX lò Bửu Nguyên sản xuất các loại tượng thờ chế tác sinh động, trên nếp áo đắp nổi từng chi tiết, tráng men nhiều màu đặc biệt chỉ chừa khuôn mặt, hai tay và hai chân. Các tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu tại An Lạc Cung (Trà Ôn), bộ tượng Di Đà Tam tôn và tượng Giám Trai sứ giả (niên đại At Tị 1905) tại chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) là những tác phẩm rất đẹp. Lò Bửu Nguyên cũng sản xuất quần thể tiếu tượng gắn trên nóc đền miếu như bộ tiếu tượng tại Quảng Triệu hội quán (Vĩnh Long) khoảng năm Mậu Tuất 1898 bộ tượng tại Thiên hậu Cung (chùa bà chợ Đũi) khoảng năm Tân Hợi (1911) và tại Quảng Triệu hội quán (chùa bà Cầu Muối) vào năm Canh Thân (1920). Vào năm Mậu Thân (1908) lúc trùng tu Tuệ Thành Hội quán (chùa bà Chợ Lớn) chủ nhân hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa thi đua thực hiện bộ tiếu tượng gắn trên nóc đền. Dưới sự chỉ đạo, cả hai chủ nhân cùng quê, cùng học một kỹ thuật, cùng thực hiện một công trình có thể gọi là “tài nghệ bất phân thắng bại”.

Ảnh 2. Chậu được vẽ từ men màu gốm Sài Gòn xưa 

Gốm của vùng Sài Gòn - Gia Định - Đồng Nai trong thế kỷ 18 và 19 nổi tiếng về lịch sử độc đáo và nổi tiếng của nó mà nhiều nhà khảo cổ học và sử gia gọi là đồ gốm Mai Mai (được biết đến qua gốm cổ ở đồi Cây Mai Và khu vực Cây Mai, Chợ Lớn hiện nay được xếp vào Biên Hòa, Sài Gòn. Hiện nay, chỉ còn lại lò gốm Hưng Lợi nằm ở bản Hoà Lục (phường 16, quận 8), gần thôn Phù Đình, ở rìa Kênh Bò , Trong một ngôi làng Lò Gốm cũ. Cuộc khai quật năm 1997-1998 đã tìm thấy những tàn tích của ba lò gốm, trên một gò đất đầy những đồ gốm thuộc loại lu, siêu, chậu .. (15) Hôm nay nơi Tiếp tục truyền thống Gốm cổ truyền của Hòa hiện rõ ràng nhất trong lò gốm ở Biên Hòa hoặc tại quận 9, thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Thủ Đức, gần Công viên Văn hoá Quốc gia đang xây dựng) và một số cơ sở Sản xuất gốm gia đình nhỏ tại khu vực Lái Thiêu.

    Trước khi thực dân xâm lược, địa danh Sài Gòn chính là Chợ Lớn, địa danh Bến Nghé chính là địa danh Sài Gòn ngày nay. Dòng gốm Việt xuất phát từ xứ Quảng Nam vào thời Nguyễn có thể gọi là gốm Sài Gòn. Nhưng 3 trường phái gốm Hoa phát triển trong thời Pháp thuộc nếu gọi là gốm Sài Gòn thì phi lịch sử. Còn nếu căn cứ vào dân gian cứ gọi là gốm Cây Mai thì cũng không hợp lý vì đây chỉ là cách gọi tiêu biểu. Theo tôi gốm của người Hoa sản xuất ở Chợ Lớn thì cứ gọi là Gốm Chợ Lớn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến